1. 1TƯ QUY của VƯƠNG BỘT.
VƯƠNG BỘT ( 650-676 ), tự là Tử An. Người đất Giáng
Châu Long Môn ( thụộc Hà Tân Sơn Tây hiện nay ). Ông nội là Vương Thông, hiệu
là Văn Trung Tử, học giả nổi tiếng cuối đời nhà Tùy. Cha là Vương Phước Chỉ,
giữ chức Thái Thường Bác Sĩ, Ung Châu Tư Công đời Đường.
VƯƠNG BỘT cùng với Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc
Tân Vương văn tài thi tài ngang nhau, người đời xưng là " Sơ Đường Tứ
Kiệt ". Bột đứng đầu Tứ Kiệt, nổi tiếng bất hủ với bài " Đằng Vương
Các Tự ", để lại một giai thoại văn chương về câu nói " Thời lai
phong tống Đằng Vương Các ", và còn để lại rất nhiều ảnh hưởng cho văn học
đời sau bằng các thành ngữ còn thông dụng đến hiện nay.
Sau đây là một bài Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt nổi tiếng
của ông.
思歸
TƯ QUY
長江悲已滯, Trường Giang
bi dĩ trệ,
萬里念將歸。 Vạn lí niệm tương quy.
況屬高風晚, Huống thuộc
cao phong vãn,
山山紅葉飛。 Sơn sơn hồng diệp phi.
王勃
Vương Bột
CHÚ THÍCH :
Câu 3 & 4 của bài nầy còn có dị bản là
:
Huống PHỤC cao SƠN
VIỄN, 況復高山遠,
Sơn sơn HOÀNG diệp
phi. 山山黃葉飛。
HUỐNG THUỘC hay HUỐNG PHỤC gì đều có nghĩa là : Hơn nữa, Vả lại...
CAO PHONG VÃN : là Gió thu trên cao thổi vi vút vào buổi chiều
tối, còn ...
CAO SƠN VIỄN : là Núi cao chập chùng xa xăm diệu dợi.
BI DĨ TRỆ : là Nỗi sầu cô đọng lại như nước Trường Giang
lửng lờ ( như không trôi chảy ).
NIỆM TƯƠNG QUY : là Chỉ mới có Ý niệm sẽ quay trở về mà thôi.(
Ý nói : Muốn về mà không về được ! )
HỒNG DIỆP hay HOÀNG DIỆP gì cũng đều là lá mùa thu, và cũng đều
nên thơ cả ! Có điều, người Việt ta thì hay dùng " Lá Vàng " để chỉ
mùa thu, còn người Hoa thì hay dùng " Lá Đỏ ", vì họ có nhiều rừng
phong đỏ thắm lúc thu về, còn ta thì lại có :
"
Lá VÀNG trước gió sẻ đưa vèo ! "...
hoặc thi vị hơn như Tản Đà :
" Trận gió thu phong cuốn lá VÀNG,
Lá bay hàng xóm lá bay sang....
để rồi...
Hờ
hững ai xui thiếp phụ chàng ! "
DIỄN NÔM :
MUỐN VỀ
Trường Giang sầu nước
lửng,
Muôn dặm muốn về
ngang.
Núi cao ngăn quê cũ
,
Non non rụng lá
vàng !
Lục bát :
Trường Giang nước đọng
lòng sầu,
Xa nhà muôn dặm mấy
thâu muốn về.
Núi cao ngăn cách
làng quê,
Muôn chiều lá đổ ủ
ê lòng sầu !
Đỗ Chiêu Đức
2. TUYỆT CÚ của ĐỖ PHỦ :
Bài thơ nầy được làm vào cuối xuân năm
Quảng Đức thứ 2 đời Đường Đại Tôn ( 764 ), lúc bấy giờ, Thi Thánh Đỗ Phủ đang ở
Thành Đô ( Tứ Xuyên ), mặc dù tha hương nhưng cuộc sống đã tạm ổn định, nhớ quê
nhưng tâm lý đã khá thoải mái.
絕句
TUYỆT CÚ
江碧鳥逾白, Giang bích thủy du bạch,
山青花欲燃。 Sơn thanh hoa dục
nhiên.
今春看又過, Kim xuân khan hựu quá,
何日是歸年. Hà nhật thị
qui niên ?!
杜甫
Đỗ Phủ
CHÚ THÍCH :
Bài thơ nầy được Thi Thánh Đỗ Phủ làm vào mùa xuân
năm Quảng Đức thứ hai đời Đường Đại Tôn. Lúc nầy ông đang tạm cư ở Thành Đô,
cuộc sống tạm ổn định, mặc dù xa quê nhưng trong lòng cũng tạm thoải mái bớt day
dứt, nên lời thơ cũng nhẹ nhàng gợi cảm hơn.
BÍCH 碧 : là BIẾC. Ta thường hiểu là XANH thì mới BIẾC.
Thật sự BÍCH là chỉ cái sắc ÓNG ÁNH, như Cẩm Thạch " Lên Nước "
thì gọi là BÍCH, bất cứ nó ửng lên màu gì đều là " BÍCH " cả
!.
DU 逾 :là Càng hơn, là Vượt
quá.
DỤC 欲 :là Muốn, là Giống Như.
NHIÊN 燃 :là Cháy, Ở đây có nghĩa là
Rực Rỡ.
QUÁ 過 :là Qua, là Đi Qua.
HÀ 何 :Nghi Vấn Từ, có nghĩa là GÌ, NÀO, SAO... Như : HÀ SỰ là Việc gì ?,
HÀ NHÂN là Người Nào?, HÀ CỐ là Cớ Sao ?. Trong câu thơ HÀ NHẬT là Ngày Nào ?
DỊCH NGHĨA :
Nước của dòng sông càng xanh biếc thì
những cánh chim bay lượn trên sông càng trắng hơn thêm, núi càng xanh hơn thì
muôn hoa càng như rực rở hơn lên như muốn bốc cháy. Trước mắt ta mùa xuân lại
sắp đi qua nữa rồi, không biết là đến năm nào mới có được ngày quay trở lại quê
hương đây ?!.
DIỄN NÔM :
TUYỆT CÚ
Nước biếc
chim càng trắng,
Núi xanh hoa
rực hương.
Nay nhìn
xuân lại hết,
Biết thuở
nào hồi hương ?!
Thất ngôn :
Trắng xóa
cánh chim làn nước biếc,
Hoa như rực lửa
núi càng xanh.
Mắt trông xuân
lại qua lần nữa,
Quê cũ năm nào
lại gặp anh ?!
Đỗ
Chiêu Đức
3. KIẾN VỊ THỦY TƯ TẦN XUYÊN của SẦM THAM .
SẦM THAM 岑參 ( 715-770 ), người gốc Nam Dương ( thuộc Tân Dã,
tỉnh Hà Nam hiện nay ), sau thuyên cư về Giang Lăng ( Tỉnh Hồ Bắc hiện nay ),
đậu Tiến Sĩ năm Thiên Bảo thứ ba năm 30 tuổi. Ông là thi nhân nổi tiếng đời Đường,
chuyên về thơ biên tái 7 chữ, giọng thơ hào hùng, sức tưởng tượng phong phú,
đầy màu sắc lãng mạn. Ông mất lúc 56 tuổi.
見渭水思秦川
KIẾN VỊ THỦY TƯ TẦN XUYÊN
渭水東流去, Vị
Thủy đông lưu khứ,
何時到雍州。
Hà thời đáo Ung Châu ?
憑添兩行淚, Bằng thiêm
lưỡng hàng lệ,
寄向故園流。
Kí hướng cố viên lưu !
岑參 Sầm
Tham
CHÚ THÍCH :
VỊ THỦY 渭水:Còn gọi là Vị Hà, từ Cam Túc chảy qua Thiểm Tây đổ vào sông Hoàng Hà
ra biển.
TẦN XUYÊN 秦川:Địa danh xưa, tức tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Trong thơ chỉ đất Quan Trung,
là một dãi đất ở trung bộ tỉnh Thiểm Tây.
UNG CHÂU 雍州:Một trong chín Châu ngày xưa, bao gồm một phần của tỉnh Cam Túc và
một dãi của tình Thiểm Tây ngày nay.
CỐ VIÊN 故园:Vườn Cũ, chỉ Cố Hương, nơi được sanh ra và lớn lên.
DỊCH NGHĨA :
THẤY
DÒNG SÔNG VỊ MÀ NHỚ TẦN XUYÊN
Dòng sông Vị chảy về đông, không biết bao giờ mới đến được
xứ Ung Châu quê ta.( Nay ta thương nhớ quê hương mà không về được, nên...) chỉ
còn có nước nhỏ thêm hai hàng lệ nhớ quê xuống sông, nhờ nước sông mang hai hàng
lệ nhớ thương nầy về với cố hương quê ta mà thôi !
DIỄN NÔM :
TRÔNG SÔNG
VỊ NHỚ TẦN XUYÊN
Xuôi đông sông Vị chảy,
Ung châu ngang quê nhà.
Ta thêm hai hàng lệ,
Về tận cố hương xa !
Gián Cách :
Sông Vị chảy về đông,
Uông Châu bao giờ đến ?
Ta thêm lệ đôi dòng,
Gởi cố hương yêu mến !
Lục Bát :
Về đông sông Vị chảy mau,
Bao giờ
mới đến Ung Châu quê nhà ?
Nhỏ
hai hàng lệ thiết tha,
Gởi
về tận chốn quê xa mịt mùng !
Đỗ Chiêu Đức
4. TĨNH DẠ TƯ của LÝ BẠCH :
Bài thơ TĨNH DẠ TƯ của Thi Tiên LÝ BẠCH với
lời lẽ mộc mạc, giản dị, nhưng lại rất thực tế, nhân bản, dễ đi sâu vào lòng
những người tha hương cô thân chiếc bóng, lòng nhớ quê luôn canh cánh khôn
nguôi !
靜夜思
TĨNH DẠ TƯ
床前明月光, Sàng tiền minh
nguyệt quang,
疑是地上霜。
Nghi thị địa thượng sương.
舉頭望明月,
Cử đầu vọng minh nguyệt,
低頭思故鄉。
Đê đầu tư cố hương !
李白
LÝ BẠCH
CHÚ THÍCH :
Chữ 靜 được phát bằng 2 âm TỊNH
và TĨNH, nhưng nghĩa thì lại như nhau. TĨNH DẠ 靜夜 : là Trong đêm thanh vắng. Đêm vắng lặng.
NGHI 疑 : là Nghi Ngờ. Ở đây có
nghĩa là NGỠ là , Tưởng là.
CỬ ĐẦU : là ngước đầu, là ngẩn đầu lên.
ĐÊ ĐẦU : là Cúi đầu xuống.
NGHĨA BÀI THƠ :
NỖI NHỚ NHUNG TRONG ĐÊM VẮNG VẺ
Trước giừơng ta nằm, ánh trăng sáng vằng vặc
đang chiếu rọi, ánh trăng huyền ảo mơ màng như có một làn sương mỏng phủ trùm
cả đất trời. Trong đêm vắng lặng nầy, ta không sao chợp mắt được. Ngước đầu
nhìn lên vầng trăng sáng như thuở nào, nên khi cúi đầu nhìn xuống lại tưởng nhớ
đến quê hương !
Tình cảm mộc mạc mà chân thật
biết bao, nên chi bài thơ với những từ rất giản dị lại cũng rất dễ đi vào lòng người
suốt trên ngàn năm nay !
DIỄN NÔM :
NHỚ
QUÊ ĐÊM VẮNG
Trước
giừơng nhìn trăng sáng,
Mông lung ngỡ sương đêm.
Ngữa trông vầng trăng bạc,
Nhớ quê dạ buồn thêm !
Lục bát :
Trước giừơng nhìn ánh trăng trong,
Mông lung
cứ ngỡ sương lồng bóng mây.
Ngữa trông trăng sáng đêm nay,
Cúi đầu
lòng những ai hoài nhớ quê !
Đỗ
Chiêu Đức