Samstag, 17. Januar 2015

16-1- 2015 Thầy Đổ C Đ Giản Về LIỄN DÁN... CHUỒNG HEO.

             






            Ngày xưa, không có những quảng cáo bắt mắt và hấp dẫn như hiện nay của các nhà làm thương mại. Quảng cáo ngày xưa là cái BẢNG HIỆU, cái thương hiệu của hiệu tiệm của mình. Đôi câu đối dán 2 bên cửa tiệm cũng có tác dụng quảng cáo rất mạnh mẽ để " câu " khách. Xin kể hầu đọc giả các chuyện vui dưới đây có tác dụng rất lớn đối với các business....
           Như chúng ta đã biết, Lục Thư để hình thành tiếng Hán cổ xưa là Tượng Hình, Chỉ Sự, Hội Ý, Hài Thanh, Chuyển Chú và Giả Tá. Bỏ qua 5 cái đầu ta chỉ nói đến GIẢ TÁ 假借 mà thôi.
           GIẢ là trái với THẬT,là Làm bộ. TÁ là Mượn, là Nương nhờ. GIẢ TÁ là Làm bộ mượn, có nghĩa MƯỢN TẠM để mà XÀI...luôn ! Ví dụ :

      ĐẠO 道 là Con Đường, như Đạo lộ là đường lộ. Mượn Ý nầy để chỉ...
       ĐẠO là ĐẠO GIÁO Con đường tín ngưỡng mà mọi người đi theo.
       ĐẠO là NÓI RẰNG, như Văn Đạo là Nghe nói rằng. Mở đầu Đạo Đức Kinh của Lão Tử là câu " ĐẠO khả ĐẠO phi thường ĐẠO ". Có nghĩa : Cái ĐẠO mà có thể THUYẾT GIẢNG được thì không phải là cái ĐẠO thường.

      Chữ 少 Khi đọc là THIỂU thì có nghĩa là ÍT. Thiểu Số là Số ít . Đa Thiểu là It Nhiều, là Bao nhiêu?
            Khi đọc là THIẾU thì có nghĩa là TRẺ. Như Thiếu niên, Thiếu phụ.
            ...V.V... V.V...
      Bây giờ ta nói đến một chữ Giả Tá đặc biệt khác có bộ XÍCH 彳(nghĩa là Bước chân trái ) ở bên trái, và chữ XÁCH 亍 ( Bước chân phải ) ở bên phải, đó chính là chữ HÀNH 行 ( Bước chân trái 1 cái, bước chân phải 1 cái ) nên HÀNH có nghĩa là ĐI.
           HÀNH 行 : Ngoài nghĩa ĐI ĐỨNG ra, Hành còn có nghĩa là LÀM : HÀNH ĐỘNG, mà việc làm thì biểu hiện tánh tình và bản chất của con người, nên HÀNH còn được đọc là...
       
           HẠNH : là Phẩm Hạnh, chỉ phẩm chất đạo đức của một con người : " Nhân sanh bách HẠNH hiếu vi tiên " chính là chữ HẠNH nầy. Kết hợp Hành động và Phẩm hạnh chữ HÀNH còn được đọc là...
           HÀNG : là Ngành Nghề. Cải HÀNG 改行 là Đổi Nghề. Ta có thành ngữ : HÀNG HÀNG XUẤT TRẠNG NGUYÊN : Có nghĩa là Bất cứ ngành nghề nào cũng đều có Trạng Nguyên của ngành nghề đó cả. Ý muốn nói : Bất cứ nghề nào cũng có thể phát triển và làm giàu lớn được cả !  Nghĩa phát sinh của âm đọc nầy là...
          NGÂN HÀNG 銀行 : là Cái Tiệm, Cái Hảng chuyên kinh doanh Tiền bạc. HÀNG QUÁN cũng là chữ HÀNG nầy.  Vì là chỗ Kinh Doanh nên còn được đọc là ...
       HẢNG : như TỬU HẢNG 酒行 : là cái Hảng Rượu. Hảng Xưởng là chữ HẢNG nầy. Cuối cùng...
       HÀNH : còn là một thể loại Văn Học chỉ các bài thơ Trường Thiên như : TÌ BÀ HÀNH của Bạch Cư Dị, TÒNG QUÂN HÀNH của LÝ Cần, LỆ NHÂN HÀNH của Đỗ Phủ....
       HÀNH là chữ tiêu biểu cho câu nói của ông bà ta xưa kia thường nhắn nhủ là : Nhất tự lục nghì ( Một chữ mà có tới 6 nghĩa !).

        Trở lại với tác dụng QUẢNG CÁO của Bảng Hiệu. Một công ty ở Hồng Kông đã để tên Bảng Hiệu như thế nầ : 行 行 行 thu hút không ít khách hàng ghé lại xem Công Ty của ông ta kinh doanh cái gì và tên của bảng hiệu phải đọc như thế nào, làm cho business của ông ta trở nên vô cùng bận rộn và phát triển  .... Thì ra ông ta đang chơi trò Giả Tá, 3 chữ 行 行 行 đọc là : HẠNH HÀNH HẢNG, tức là cái Hảng có tên là Hạnh Hành , thế thôi !

         Lại một bảng hiệu khác do Từ Văn Trường viết cũng thu hút rất nhiều khách cho cửa tiệm.
 
TỪ VĂN TRƯỜNG ( 1521-1593 ) tên là VỊ, tự là Văn Trường, sanh năm Chánh Đức thứ 16 đời nhà Minh. Người đất Sơn Âm ( Thiệu Hưng ngày nay ), lớn lên trong một gia đình quí tộc đang hồi xuống dốc. 6 tuổi đã đi học, nổi tiếng là THẦN ĐỒNG, 20 tuổi đậu Tú Tài, là một nhà văn, nhà thơ, nhà thư pháp và là một họa sư nổi tiếng ở cuối đời Minh đầu đời Thanh.

         Ông là người phóng khoáng, không chịu gò bó vào khuông phép, nên thi hoài 8 khoa mà vẫn không đậu Cử Nhân giống như Trần Tế Xương của ta : " Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui ! ". Tài hoa thì có thừa, nên hay dùng văn thơ châm biếm người đời, bởn cợt kẻ quyền thế, rất được giới bình dân hâm mộ giống như là Trạng QUỲNH của ta vậy !  
         Từ Văn Trường văn hay chữ tốt nổi tiếng trong vùng, nên một hôm, có người đến nhờ ông viết dùm bảng hiệu " Tỉm Xấm " bán đồ điểm tâm. 3 chữ " ĐIỂM TÂM ĐIẾM 點心店 vừa treo lên thì người ra vào ăn điểm tâm nườm nượp suốt cả tháng trời, ông chủ tiệm cười híp cả mắt, mặc sức hốt bạc... Nhưng có một điều hết sức ngạc nhiên là thực khách nào ăn xong khi đến tính tiền đều nói với chủ tiệm là : " Ông ơi, 3 chữ ĐIỂM TÂM ĐIẾM 點心店 của ông, chữ TÂM sao viết thiếu mất một chấm ở giữa ?!". Như ta đã biết, hình dạng chữ TÂM được Cụ NGUYỄN DU diễn tả lúc cô Kiều nhớ Thúc Kì Tâm ( Thúc Sinh ) là :
                                   Đêm thu gió lọt song đào,
                     Nửa vành TRĂNG KHUYẾT BA SAO giữa trời.

        Chữ 心 có hình dạng như Nửa Vành Trăng Khuyết và 3 vì sao, 2 cái 2 bên, 1 cái ở giữa, nhè Từ Văn Trường không có chấm cái chấm ở giữa. Ông chủ tiệm là dân thị tứ đâu có biết gì là chữ nghĩa, nghe mọi người đều nói vậy nên tìm Từ Văn Trường để nhờ anh ta chấm thêm cho một chấm. Nhưng sau khi chấm xong chấm đó, thì suốt cả tháng trời buôn bán ế ẩm. Ông chủ quán lại gặp Từ Văn Trường than thở rằng, từ khi chấm cái chấm đó xong thì buôn bán không còn như trước nữa. Từ Văn Trường cười bảo ông ta rằng : " Chữ TÂM là cái lòng, cái bụng, bụng có trống thì người ta mới ghé lại mà ĐIỂM Tâm, nay đã chấm thêm một chấm là bụng đã no rồi, không cần phải ĐIỂM TÂM nữa, ế là phải ! ". Ông chủ mới té ngữa ra, bây giờ muốn xóa chấm đó đi thì đã không còn được nữa rồi !
          Sự thật thì Từ Văn Trường chỉ lợi dụng cái tâm lí hiếu kì và hiếu sự của quần chúng để " câu  khách " cho tiệm. Ai trông thấy chữ Tâm thiếu mất một chấm đều " ngứa ngáy " muốn nói cho chủ quán biết, sẵn đã vào tiệm nên ăn điểm tâm luôn mà thôi ! 
           Trở lại với Giả Tá. Chữ TRƯỜNG có nghĩa là DÀI, như Trường Thành, Trường Giang, Trường Sơn... Nhưng khi mượn đọc là TRƯỞNG thì có nghĩa là LỚN. Như Gia Trưởng, Huynh Trưởng, Trưởng thành....
            Tên của Từ Văn Trường cũng vậy, người Quảng Đông thì đọc là Từ Văn Trường, nhưng người Tiều Châu thì lại đọc thành Từ Văn Trưởng ! Lại chuyện của Từ Văn Trưởng đây....
           Một hôm gần Tết, Từ Văn Trường thả bộ ra chợ xem bà con nhóm chợ Tết, gặp một Thầy Đồ là một lão Tú Tài già đang bày hàng viết Liễn. Tính rắn mắt nổi lên muốn ghẹo chơi cho vui , Từ Văn Trường xề tới cất tiếng hỏi :
      - Thưa Thầy, Thầy viết liễn có nghĩa là Liễn gì Thầy cũng viết được hết phải không ?. Nghe hỏi lạ, ông đồ già nhướng mắt lên thấy Từ Văn Trường, biết là chàng trai nầy định phá mình đây, bèn trả lời rất tự tin :
      - Dĩ nhiên, cậu muốn viết liễn gì ?
      - Liễn dán chuồng heo ! . Sau giây phút sựng lại vì ngạc nhiên, ông đồ bèn  ra giá :
      - Một lạng bạc ! Từ Văn Trường vui vẻ :
      - Không thành vấn đề, nhưng liễn phải hay và có Ý nghĩa mới được cụ nhé !
        Thường các Lão Tú Tài nầy tiếng Việt ta gọi là TÚ MỀN rất giỏi chữ nghĩa và già giặn kinh nghiệm . Ông đồ bình tĩnh lặng lẽ đưa những nét bút thiệt đẹp như rồng bay phượng múa lên 2 tờ giấy hồng đơn đã rọc sẵn. Bây giờ tới phiên Từ Văn Trường ngạc nhiên, vì trên 2 tờ giấy hồng đơn mỗi bên  7 chữ, tổng cộng là 14 chữ TRƯỜNG thật đẹp. Biết ông thầy đồ già muốn " chơi " mình, anh ta cũng rất bình tĩnh và lễ phép :
     - Thưa thầy, nhờ thầy đọc và cắt nghĩa dùm ạ ! Ông thầy đồ dõng dạc cất giọng :
     - Trường trường trưởng trưởng trường trường trưởng. Trưởng trưởng trường trường trưởng trưởng trường !  Nuôi heo, anh mong được gì nào ? Heo mau dài mau lớn phải không ? Thì đây đôi liễn nầy có nghĩa :

                         DÀI DÀI LỚN LỚN DÀI DÀI LỚN,
                         LỚN LỚN DÀI DÀI LỚN LỚN DÀI !

      Chuyên chọc phá thiên hạ, lần nầy bị Tổ trác, liễn dán chuồng heo là câu đối 14 chữ đều là tên của mình cả, lại phải nhăn mặt móc hầu bao trả cho ông thầy đồ một lạng bạc, thế mới đau !

      Cho hay, chuyện đời có lúc " Kiến ăn cá ", nhưng cũng lắm khi kiến té xuống nước thì " Cá cũng ăn kiến " như thường !
 
                


 
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen