Người Trung Hoa hay có những ý tưởng độc đáo và sâu sắc về phương châm
sống. Những triết gia thời xưa như Khổng - Mạnh thì đã đành, mà người đời sau cũng vẫn có.
Chẳng hạn, Lương Khải Siêu (1873-1929), đã có một lời khuyên rất uyên bác cho mọi người, đại ý: “Mỗi ngày phải để ra tí khoảnh khắc đứng ngoài cuộc đời, nhìn lại cuộc đời. Sau mỗi tháng, mỗi năm, đều phải dành thời gian thích đáng để làm việc đó. Người tầm thường thì luôn bị cuộc đời cuốn đi, không thể dừng lại được. Kẻ sĩ thường hay xa rời cuộc sống của nhân quần, không hòa nhập đời thường. Duy chỉ có những người rất có văn hóa mới vừa luôn luôn hòa nhập với đời thường, vừa có thể tách ra khỏi cuộc sống thường nhật vào bất cứ lúc nào để nhìn lại chính mình, nhìn lại cuộc đời: điều ấy nói thì dễ, chứ làm thì khó lắm thay !”.
Chẳng hạn, Lương Khải Siêu (1873-1929), đã có một lời khuyên rất uyên bác cho mọi người, đại ý: “Mỗi ngày phải để ra tí khoảnh khắc đứng ngoài cuộc đời, nhìn lại cuộc đời. Sau mỗi tháng, mỗi năm, đều phải dành thời gian thích đáng để làm việc đó. Người tầm thường thì luôn bị cuộc đời cuốn đi, không thể dừng lại được. Kẻ sĩ thường hay xa rời cuộc sống của nhân quần, không hòa nhập đời thường. Duy chỉ có những người rất có văn hóa mới vừa luôn luôn hòa nhập với đời thường, vừa có thể tách ra khỏi cuộc sống thường nhật vào bất cứ lúc nào để nhìn lại chính mình, nhìn lại cuộc đời: điều ấy nói thì dễ, chứ làm thì khó lắm thay !”.
Thi thoảng phải đứng ra
ngoài cuộc đời để nhìn lại chính mình, để sửa mình, để sống có ích cho đồng
loại. Tư tưởng ấy thật thanh cao. Nhưng cũng vì nó quá thanh cao nên chưa hẳn đã
thích hợp với cuộc sống đa dạng và sôi động, đồng thời cũng xô bồ và thực dụng
hơn của thời đại ngày nay.
Ý tưởng của người Trung
Hoa thời nay về phương châm sống vẫn sâu sắc như xưa, nhưng xem ra có vẻ thiết
thực hơn nhiều. Phương châm ấy được diễn đạt một cách rất “Trung Hoa hiện đại”
như sau:
Một “trung tâm”: lấy sức
khỏe làm trung tâm. Hai “một chút”: thoải mái một chút, hồ đồ một chút. Ba
“quên”: quên tuổi tác; quên bệnh tật; quên hận thù. Bốn “có”: có nhà ở; có bạn
đời; có bạn tri âm; có sổ tiết kiệm. Năm “phải”: phải vận động; phải hòa nhã,
lịch sự; phải biết cười; phải biết kể chuyện; phải tự coi mình là người bình
thường”.
Điều “một trung tâm” là
cực kỳ quan trọng. Thường thì mãi đến lúc già yếu hoặc lúc ốm đau ta mới thấy
sức khỏe là qúy giá; khi ngoài kia là trời xanh lồng lộng và nắng gió lung linh
mà ta ngồi đây bất lực, mới thấy hối tiếc một thời phung phí sức lực một cách
liều lĩnh và dại dột. Rất may là chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn, y học
ngày càng hiện đại hơn nên tuổi thọ của con người ngày càng cao hơn nữa. Sắp đến
rồi, ngày mà “Sáu mươi tuổi chưa phải là già, bảy mươi tuổi vẫn còn là trung
niên !”. Hạnh phúc thay là có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể cường
tráng. Xin hãy nhớ ở bất cứ lứa tuổi nào cũng phải “lấy sức khỏe làm trung tâm”.
Điều “hai một chút” thật
là chí lý. Đừng đạo mạo qúa, hãy sống hồn nhiên như mình vốn có. “Thoải mái một
chút” (Một chút thôi nhé!) là hợp với tự nhiên bởi cuộc sống không thể lúc nào
cũng căng như một dây đàn đúng giọng được. Cũng đừng qúa tự dày vò mỗi khi lầm
lỡ. Ai mà chẳng có lúc sai lầm, có sai thì hãy tự nhủ “hồ đồ một chút” chưa sao
! Cũng lại chỉ một chút thôi nhé, luôn luôn hồ đồ thì còn nói làm gì, hồ đồ
nghiêm trọng thì phải trả giá đắt, đôi khi hối không kịp.
Điều “ba quên” là để
cho lòng mình thanh thản. Lỡ đã già rồi (và đã được sống nhiều), lỡ mang bệnh
tật rồi (nhiều khi vì những lẽ rất cao cả, nhưng cũng có khi vì sự tầm phào) thì
hãy quên đi, “quên tuổi tác” và “quên bệnh tật”; hãy vui sống mỗi ngày bằng
những công việc thường nhật có ích cho mình, cho những người thân yêu và cho
đời… Cuộc đời riêng của mỗi người chỉ có thể thật thanh thản khi biết “quên hận
thù”; “quên hận thù” là điều rất khó, nhưng cũng sẽ dễ dàng hơn khi thực lòng
mong muốn có sự thanh thản của tâm hồn.
Điều “bốn có” rất đời
thường, dung dị và thiết thực. “Có nhà cửa” và “ có bạn đời” tức là có một gia
đình yên ấm. Dù cho thế giới văn minh này có biến đổi thế nào thì gia đình vẫn
là tế bào bền vững của xã hội, vẫn là nơi trú ẩn cuối cùng đáng tin cậy cho
những tâm hồn cô đơn đang bị tai họa phủ phàng rượt đuổi. không buồn gì bằng nổi
buồn không có “bạn tri âm”, như “rượu ngon không có bạn hiền”. Sống trên đời ai
cũng ít nhiều có bạn, nhưng bạn tri âm đồng cảm chia ngọt sẽ bùi với mình thì
không phải người nào cũng có. Thiếu bạn tri âm, cuộc đời sẽ thiếu đi một mảng
lớn. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là phải có của ăn của để ở
chừng mực thích hợp, tức là phải có “sổ tiết kiệm”, phải dành dụm, phòng khi lỡ
vận, phải lo xa một chút…
Điều “năm phải” khuyên
chúng ta thực hiện một phong cách sống lành mạnh và văn hóa. Trước hết, “phải
vận động” (chân tay) vừa phải và bền bỉ. Khó nhất là duy trì được nết tập thể
dục thường xuyên; tập kiểu gì cũng được, ít nhiều tùy theo sức, miễn là tập được
đều đặn hàng ngày. Đó là cách tốt nhất để giữ cho thân thể được khỏe mạnh và
tinh thần thoải mái. Còn thể thao thì tùy sở thích và tùy hoàn cảnh chứ không
phải là nhất thiết. Thứ hai là phải “hòa nhã, lịch sự”. Đó là phong cách không
thể thiếu được cho mỗi người cho dù ở cương vị nào và hoạt động trong lĩnh vực
nào. Nét văn hoá ấy là của chung nhân loại, dân tộc nào cũng có bất kể ở trình
độ văn minh nào. Người có văn hóa không hẳn là người có học thức cao. Thứ ba là
“phải biết cười”. Biết cười có duyên không dễ. Không phải ai cũng ưa hài hước,
và tính hài hước không phải có sẵn trong nhiều người. Những người dễ cười, cũng
như là dễ khóc, thường là tốt bụng, những người có tính hài hước thường giàu
lòng vị tha. Những người không ưa hài hước có lẽ không phải là những người có
văn hóa cao. Hơn nữa, bạn có biết không, mỗi lần cười thì có tới mấy chục cơ
trên mặt cùng hoạt động và làm ta sống thêm được ít phút. Vậy thì càng cần “phải
biết cười”. Thứ tư là “phải biết kể chuyện”, tức là phải biết kể lại những điều
mình biết một cách khúc chiết rõ ràng, biết diễn đạt ý mình một cách sáng sủa,
nói rộng ra là phải biết cách giao lưu tư tưởng. Người biết kể chuyện luôn luôn
đồng thời cũng là người biết lắng nghe, bởi có chịu khó lắng nghe mới có cái để
mà kể lại và mới biết kể như thế nào cho thích hợp đối với người nghe mình. Sau
hết và cũng là trước hết là “phải tự coi mình là người bình thường”. Người ở
cương vị càng cao mà biết tự coi mình là người bình thường thì càng được kính
trọng. Đối với một số người điều ấy không phải dễ dàng, bởi vì ngay một anh binh
nhì cũng vẫn có thể ngạo mạn khinh người, coi mình là nhất thiên hạ, y hệt một
tướng lĩnh lừng danh ưa phỉnh nịnh. Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Cái khó nhất
là biết dừng ở chỗ nào” và “cái cần biết trước hết là biết mình”. Người tự coi
mình là người bình thường sẽ dễ “biết mình” và cũng dễ “biết dừng”.
Tôi hy vọng là đã hiểu
và diễn đạt đúng được phần nào những ý tưởng sâu sắc và độc đáo của người Trung
Hoa xưa cũng như nay về phương châm sống. Xin chia sẽ cùng bạn đọc nhân dịp cuối
năm cũ nhìn lại mình, để đầu năm mới thêm chút thoải mái. “Cuộc đời vẫn đẹp
sao”........
Posted by
anh minhmap
Sưu tầm .
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen